Người mắc bệnh tim mạch cần có chế độ ăn vừa hợp khẩu vị, vừa góp phần bảo vệ trái tim của mình. Trong khẩu phần ăn của bệnh nhân tim mạch nên bổ sung những loại thực phẩm sau đây:
Bổ sung chất xơ, vitamin và chất khoáng
Chất xơ trong rau quả và những loại ngũ cốc thô như: gạo lức, bắp lức, các loại đậu có tác dụng chuyển hóa các chất béo và làm hạ huyết áp.
Các loại rau củ và trái cây chứa nhiều chất có lợi cho sức khỏe là các flavonoid, các chất này hoạt động như các chất chống ôxi hóa và có thể giảm nguy cơ viêm nhiễm, ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Ngũ cốc nguyên hạt
Để phòng bệnh tim mạch, nên hạn chế sử dụng cacbonhydrat đã qua chế biến hoặc tinh chế. Các chất dinh dưỡng này có nhiểu trong các loại thực phẩm như bánh mì trắng, mì ống trắng và gạo trắng.
Thay vào đó, nên cung cấp cho cơ thể những thực phẩm chứa carbohydrate chưa tinh chế hoặc ngũ cốc nguyên hạt. Những thực phẩm này cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất, chất chống ôxy hóa và chất xơ hơn là carbohydrate tinh chế như bánh mì nguyên hạt, bánh quy giòn và ngũ cốc, gạo lứt, yến mạch, lúa mạch, …
Các loại đậu
Đậu xanh, đậu đỏ, đậu pinto, đậu đen, đậu nành… giàu tinh bột kháng, chống lại quá trình tiêu hóa và được lên men bởi các vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Tinh bột kháng có thể cải thiện sức khỏe tim mạch bằng cách giảm nồng độ triglycerid, cholesterol trong máu, giảm huyết áp, giảm viêm. Bên cạnh đó, các loại đậu cũng là nguồn chất đạm, chất xơ dồi dào.
Chất béo
Chất béo nên chiếm 15-20% tổng năng lượng trong ngày, trong đó lượng acid béo no (có nhiều trong mỡ, bơ, thức ăn nhanh, thức ăn công nghiệp,…) không quá 10% tổng năng lượng, cholesterol < 300mg/ngày.
Sử dụng dầu thực vật (dầu ô liu, dầu đậu nành, dầu hạt hướng dương, dầu hạt cải,…) thay cho mỡ động vật. Chọn thực phẩm giàu đạm ít chất béo: thịt nạc bỏ da, mỡ, thịt gia cầm, cá các loại đặc biệt các loại cá biển sâu giàu Omega 3 tốt cho sức khỏe tim mạch, sữa không béo hoặc ít béo, đậu hạt và các loại rau đậu,…
Thay thế đạm động vật bằng đạm thực vật
Protein động vật là loại protein có trong thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, thịt gia cầm và trứng, cũng như pho mát và sữa chua. Ăn protein động vật nghĩa là bạn đang ăn nhiều cholesterol và chất béo bão hòa, cả hai đều góp phần làm tăng cân và tăng nguy cơ phát triển bệnh tim.
Để hạn chế tình trạng này, ngoài việc ăn nhiều rau, bạn nên ăn thêm protein từ thực vật. Đây là những protein được tìm thấy trong thực phẩm như các loại đậu (đậu khô, đậu Hà Lan và đậu lăng), các loại hạt. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị bạn nên ăn tối thiểu 145g protein thực vật mỗi tuần.
Một cách dễ dàng để ăn nhiều protein từ thực vật hơn là các bữa ăn không thịt. Có rất nhiều công thức nấu ăn ngon cung cấp nguồn protein tốt nhưng cũng cung cấp các thành phần có lợi cho tim như chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống ôxy hóa.
Trà xanh
Trà xanh chứa chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa sự tích tụ chất béo trong động mạch, làm giảm các nguy cơ đau tim, đột quỵ lên đến gần 50%. Tuy nhiên nên uống một cách hợp lí với hàm lượng vừa phải.
Để duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cải thiện bệnh lý tim mạch, bạn nên thiết lập thực đơn ăn uống hằng ngày. Cần tìm hiểu và xác định những loại thực phẩm lành mạnh và đưa vào khẩu phần. Hãy ưu tiên các loại ngũ cốc, rau xanh và hạn chế thực phẩm quá nhiều chất béo có hại và muối. Bên cạnh, thay đổi lối sống chính là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của bạn. Việc duy trì một lối sống lành mạnh sẽ giúp sức khỏe tim mạch được cải thiện.
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA THUẬN KIỀU
– 630 đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 4, Quận 11, TP. HCM.
– Liên hệ: (028) 38 57 53 55 – 0903 163 703.
– Fanpage: facebook.com/phongkhamthuankieu
Có thể bạn quan tâm:
NHỮNG ĐỐI TƯỢNG DỄ MẮC BỆNH THỜI KỲ GIAO MÙA
CÁC BỆNH LÝ THƯỜNG GẶP Ở NGƯỜI CAO TUỔI KHI THỜI TIẾT GIAO MÙA
CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH ĐỐI VỚI NGƯỜI CAO TUỔI TRONG GIAI ĐOẠN GIAO MÙA
NGƯỜI CAO TUỔI NÊN ĂN UỐNG NHƯ THẾ NÀO ĐỂ CÓ GIẤC NGỦ TỐT
MỘT SỐ BỆNH TRUYỀN NHIỄM HAY GẶP VÀO MÙA THU ĐÔNG
CÁC PHƯƠNG PHÁP GIÚP PHÒNG NGỪA BỆNH HÔ HẤP KHI GIAO MÙA