Ăn uống khoa học, ngủ nghỉ đúng giờ và tập luyện điều độ trở lại sau Tết có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ, nhất là ở những người có bệnh nền.
Kiểm tra sức khỏe sau Tết
Bác sĩ khuyến cáo những người trong nhóm nguy cơ cần chủ động kiểm tra sức khỏe và tầm soát đột quỵ định kỳ để được tư vấn, can thiệp kịp thời. Người trên 50 tuổi hay người thường có các dấu hiệu như xây xẩm, chóng mặt và tê yếu tay chân thì cần đi khám, tầm soát đột quỵ sớm.
Việc phát hiện sớm nguy cơ, dấu hiệu đột quỵ để khám, tầm soát hoặc cấp cứu trong giờ “vàng” đóng vai trò quan trọng, giúp tăng khả năng sống sót và phục hồi tốt. Các biểu hiện cảnh báo đột quỵ thường gặp là tê yếu chân tay, xây xẩm, chóng mặt, đau đầu, méo miệng, giọng nói bị đớ, … Thời gian “vàng” để cấp cứu đột quỵ tính từ khi triệu chứng khởi phát cơn đột quỵ xuất hiện là trong vòng 3 đến 4,5 giờ đầu.
Chế độ ăn uống khoa học
Tết là thời điểm dễ làm khởi phát hoặc tăng nặng các bệnh mỡ máu cao, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, … Nguyên nhân là do chế độ ăn uống có quá nhiều dầu mỡ, muối và sinh hoạt bị đảo lộn.
Nếu sau Tết bạn tiếp tục ăn uống nhiều thực phẩm giàu năng lượng, giàu đường và chất béo thì không chỉ khiến cơ thể tăng cân mà chúng còn ảnh hưởng cả mạch máu. Chỉ số đường huyết, mỡ máu tăng cao gây quá tải ở động mạch, khiến máu lên não dễ ứ đọng, tắc nghẽn. Người có bệnh nền cũng cần ăn ít muối, không quá 5 g mỗi ngày.
Uống rượu thường xuyên với 2 ly mỗi bữa ăn có thể khiến tỷ lệ đột quỵ tăng hơn 30%. Rượu bia làm tăng huyết áp, ức chế quá trình đông máu và điều này giải thích tại sao rượu bia thường có liên quan đến đột quỵ xuất huyết não.
Sau Tết, mọi người quay trở lại công việc, tham gia các buổi tiệc tân niên, tuy nhiên, nên chú ý đảm bảo sức khỏe, không tiếp tục gây sức ép cho mạch máu não với nhiều bia rượu và thực phẩm thiếu lành mạnh. Bữa sáng nên nhẹ nhàng, chọn món dễ tiêu hóa (cháo, phở, súp, …), ưu tiên các món giảm mỡ máu như gạo lứt, rau xanh, củ quả luộc, trái cây và ăn đậu lên men. Người mắc bệnh huyết áp, tiểu đường, … nhớ uống thuốc đúng giờ theo bác sĩ kê.
Trong bữa trưa, nếu bạn thèm bánh chưng, bánh tét thì dùng một miếng nhỏ (1/6 hoặc 1/8 bánh chưng vừa), tránh rượu bia, thuốc lá, đồ chiên rán, hun khói, ủ muối, bánh kẹo, vẫn ưu tiên rau củ quả. Buổi tối, ăn những món dễ tiêu và tắm sớm vào buổi chiều sẽ tốt cho sức khỏe. Trước khi đi ngủ, mọi người nên uống một ly nước ấm để thanh lọc cơ thể, giúp máu lưu thông.
Chế độ sinh hoạt điều độ
– Ổn định lại giờ giấc sinh hoạt giúp “đồng hồ sinh học” của cơ thể không tiếp tục bị đảo lộn. Mất ngủ, thiếu ngủ dẫn tới đau đầu, tăng nguy cơ đột quỵ. Mọi người nên ngủ trước 22h và cách xa bữa ăn tối ít nhất một giờ. Ăn no trước khi đi ngủ có thể gây ra chứng ợ nóng liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ – vốn là một yếu tố nguy cơ của đột quỵ.
– Sau Tết, mọi người cần quay lại vận động hoặc tập thể dục thể thao tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để ngăn ngừa đột quỵ. Mỗi người nên tập thể dục (đi bộ, chạy bộ, đạp xe, …) 30-60 phút mỗi ngày, 4-5 lần một tuần. Người có bệnh cần kiểm soát chặt chẽ huyết áp, đường huyết, cân nặng.
– Nếu thời tiết tiếp tục lạnh hoặc nắng nóng, độ ẩm cao cũng có thể khiến nguy cơ đột quỵ tăng cao. Do đó, mỗi người không nên chủ quan, cần ổn định thân nhiệt với trang phục và nghỉ ngơi trong nhà phù hợp.
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA THUẬN KIỀU
– 630 đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 4, Quận 11, TP. HCM.
– Liên hệ: (028) 38 57 53 55 – 0903 163 703.
– Fanpage: facebook.com/phongkhamthuankieu
Có thể bạn quan tâm:
VÌ SAO BỆNH SỞI DỄ BÙNG PHÁT THÀNH DỊCH?
BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA BỆNH SỞI NHƯ THẾ NÀO?
BỆNH SỞI CÓ LÂY KHÔNG? LÂY QUA NHỮNG ĐƯỜNG NÀO?
CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH SỞI NHƯ THẾ NÀO?
BỆNH SỞI CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
BỆNH SỞI – NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG