Trong vài năm gần đây, bệnh tiểu đường hay còn gọi là đái tháo đường đang là vấn đề lớn đối với giới y khoa cũng như đối với cộng đồng. Nhận biết bệnh ở giai đoạn đầu có thể giúp làm chậm hoặc ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh tiểu đường. Bài viết này hy vọng sẽ có ích cho bạn và người thân.
Tiểu đường là gì ?
Tiểu đường, hay còn gọi là đái tháo đường, là thuật ngữ đề cập đến một nhóm bệnh ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng lượng đường huyết (glucose).
Glucose rất quan trọng đối với sức khỏe vì đây là nguồn năng lượng cần thiết cho các tế bào cấu tạo nên cơ và mô. Nó cũng là nguồn năng lượng chính để cho não có thể hoạt động.
Phân loại các dạng tiểu đường
Các dạng tiểu đường thường hay gặp:
*Tiểu đường tuýp 1 (ĐTĐ tuýp 1): xảy ra khi cơ thể không sản xuất được insulin. Những người mắc bệnh phải phụ thuộc vào insulin, nghĩa là họ phải dùng insulin nhân tạo mỗi ngày.
*Tiểu đường tuýp 2 (ĐTĐ tuýp 2): ở người mắc dạng tiểu đường này, các tế bào không phản ứng hiệu quả với insulin như trước đây mặc dù cơ thể vẫn tạo ra insulin.
*Tiểu đường thai kỳ: Tiểu đường thai kỳ thường xảy ra ở một số phụ nữ mang thai. Đây là giai đoạn cơ thể ít nhạy cảm hơn với insulin.
Nguyên nhân dẫn đến tiểu đường
*Nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 1 (ĐTĐ tuýp 1):
– Trong gia đình có anh, chị, em hoặc mẹ bị đái tháo đường tuýp 1.
– Trẻ trước 4 tháng tuổi bị thiếu Vitamin D hoặc uống sữa bò, ăn ngũ cốc cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
– Đối tượng tiếp xúc với một số virus gây bệnh.
– Cơ thể xuất hiện kháng thể bệnh tiểu đường.
*Nguyên nhân gây tiểu đường tuýp 2 (ĐTĐ tuýp 2):
– Di truyền: Nguy cơ của bệnh tiểu đường tuýp 2 tăng nếu cha mẹ hoặc anh chị em đã mắc phải.
– Tuổi tác: Tiểu đường tăng lên khi già đi, đặc biệt là sau tuổi 40.
– Thừa cân: Khi các mô mỡ càng nhiều sẽ càng có nhiều tế bào đề kháng với In-su-lin.
– Ít vận động: Hoạt động thể chất sẽ giúp kiểm soát trọng lượng, sử dụng hết đường và làm cho các tế bào nhạy cảm hơn với In-su-lin.
– Tiền tiểu đường: Là tình trạng trong đó mức đường trong máu cao hơn bình thường, nhưng không đủ cao để được phân loại như tiểu đường tuýp 2.
*Nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ:
Quá trình mang thai sẽ làm cho cơ thể người mẹ phải tăng cường sản xuất insulin để ổn định mức đường trong máu. Tuy nhiên, có một số trường hợp mẹ mang thai không thể tự sản xuất đủ lượng insulin và dẫn đến tình trạng lượng đường trong máu tăng lên.
Triệu chứng của bệnh tiểu đường
Một số triệu chứng của bệnh tiểu đường (túyp 1, tuýp 2) là:
– Ăn nhiều, uống nhiều, nhưng vẫn sút cân.
– Đi tiểu thường xuyên.
– Khô miệng, khô da, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, mất ngủ, rụng tóc.
– Rối loạn kinh nguyệt (ở phụ nữ).
– Vết thương lâu lành.
Các biến chứng của bệnh tiểu đường
Nếu bệnh nhân không được khám và điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nặng và phức tạp ở các phủ tạng.
– Biến chứng mạch máu: Tổn thương mạch máu do tăng lipid máu gây xơ vữa động mạch. Tổn thương mạch máu lớn gây ra nhồi máu cơ tim, tỉ lệ nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân ĐTĐ rất cao, gây co thắt và hẹp các động mạch tứ chi, dẫn đến tắc mạch gây hoại tử.
– Biến chứng não: Tắc mạch máu não, gây nhũn não hoặc xuất huyết não.
– Biến chứng hô hấp: Dễ bị viêm phổi, viêm phế quản do bội nhiễm vi khuẩn.
– Biến chứng tiêu hoá: Hay bị viêm quanh răng, viêm loét dạ dày, rối loạn chức năng gan, tiêu chảy.
– Biến chứng thận, tiết niệu: Rối loạn chức năng thận và bàng quang, mà điển hình là suy tiểu cầu thận, viêm bể thận cấp tính hoặc mạn tính.
– Biến chứng ở mắt: Tổn thương các mạch máu võng mạc mắt làm suy giảm thị lực.
– Biến chứng ở da: Ngứa ngoài da, thường hay bị mụn nhọt, lòng bàn tay, bàn chân có ánh vàng; xuất hiện các u màu vàng gây ngứa ở gan bàn tay, bàn chân, mông, nấm da, viêm mủ da.
Các phương pháp giúp chẩn đoán bệnh tiểu đường
-Xét nghiệm glucose trong máu lúc đói (FPG) đo lượng đường trong máu sau khi bạn nhịn ăn trong 8 giờ.
– Xét nghiệm HbA1C có thể đưa ra phác đồ lượng đường trong máu của bạn trong vòng 3 tháng gần nhất.
– Để chẩn đoán bệnh tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra lượng đường huyết của bạn trong khoảng từ tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ.
Trong xét nghiệm dung nạp glucose, bác sĩ sẽ kiểm tra lượng đường trong máu của bạn một giờ sau khi bạn uống nước đường.
Biện pháp điều trị tiểu đường
*Điều trị tiểu đường bằng thuốc:
Trong bệnh tiểu đường typ 1, các tế bào beta tuyến tụy bị hủy hoại nên không tiết ra được insulin cho cơ thể. Lúc này bệnh nhân cần phải được điều trị bằng insulin.
*Điều trị bằng chế độ vận động:
Bệnh nhân tiểu đường nên tập luyện 30 – 45 phút/ngày, từ 3-5 ngày mỗi tuần. Loại vận động dẻo dai như đi bộ, chạy, bơi, nhảy dây, đi xe đạp, nên đạt đủ cường độ nhằm làm tăng nhịp tim và tần số hô hấp.
* Ăn uống lành mạnh:
– Bệnh nhân tiểu đường cần tập trung vào chế độ ăn nhiều trái cây, rau, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt. Đây là những thực phẩm giàu dinh dưỡng, chất xơ, ít chất béo và calo.
– Đồng thời, cắt giảm chất béo bão hòa, carbohydrate tinh chế và đồ ngọt.
– Loại bỏ các thức ăn nhiều mỡ.
– Hạn chế ăn mặn, tránh rượu bia và thức uống có cồn.
Phòng khám đa khoa Thuận Kiều chuyên khám và chẩn đoán ban đầu dựa trên các triệu chứng của người bệnh, các bác sĩ sẽ định hướng điều trị chính xác cho người bệnh, kê đơn thuốc. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA THUẬN KIỀU
– 630 đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 4, Quận 11, TP. HCM.
– Liên hệ: (028) 38 57 53 55 – 0903 163 703.
– Fanpage: facebook.com/phongkhamthuankieu
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA THUẬN KIỀU
– 630 đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 4, Quận 11, TP. HCM.
– Liên hệ: (028) 38 57 53 55 – 0903 163 703.
– Fanpage: facebook.com/phongkhamthuankieu
Có thể bạn quan tâm:
KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT ĐẦU NĂM CHO SINH VIÊN LÀ KHÁM NHỮNG GÌ?
VÌ SAO CẦN KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT ĐẦU NĂM CHO SINH VIÊN?
CÁC PHƯƠNG PHÁP GIÚP PHÒNG NGỪA BỆNH HÔ HẤP KHI GIAO MÙA
ĐAU XƯƠNG KHỚP Ở NGƯỜI CAO TUỔI LÚC GIAO MÙA
NHỮNG BỆNH HAY GẶP VÀO MÙA MƯA BÃO CẦN CHÚ Ý
KHUYẾN CÁO PHÒNG BỆNH SAU MƯA BÃO MỌI NGƯỜI CẦN BIẾT