Sỏi mật là một trong các bệnh về đường tiêu hóa, xảy ra khi có sự xuất hiện của sỏi cholesterol, sỏi sắc tố mật hoặc sỏi hỗn hợp trong túi mật và hệ thống đường dẫn mật trong gan, ống mật chủ.
Bệnh sỏi mật là gì?
Sỏi mật là những viên sỏi được hình thành trong túi mật hoặc ống mật, có kích thước từ hạt cát cho đến quả bóng bàn. Đây là bệnh lý lành tính nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sỏi mật sẽ gây ra tình trạng tắc mật (có thể tắc ở túi mật hoặc hệ thống đường mật trong và ngoài gan), dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh sỏi mật
Sỏi mật được hình thành bởi rất nhiều cơ chế. Trong đó một vài cơ chế phổ biến gồm:
Dịch mật chứa nhiều cholesterol
Thông thường, mật có đủ hóa chất để hòa tan cholesterol mà gan bài tiết ra. tuy nhiên, nếu gan bài tiết quá nhiều cholesterol và mật không hòa tan được hết sẽ gây ứ đọng cholesterol và lâu dần hình thành tinh thể, kết tinh lại thành sỏi mật.
Mật chứa nhiều bilirubin
Bilirubin là hóa chất được tạo ra khi các tế bào hồng cầu trong cơ thể bị phá vỡ. Khi bạn gặp phải các vấn đề như xơ gan, rối loạn về máu, nhiễm trùng đường mật sẽ khiến gan tạo ra nhiều bilirubin và lượng bilirubin dư thừa sẽ tích tụ lại rồi hình thành nên sỏi mật.
Túi mật không được làm trống thường xuyên
Thỉnh thoảng, túi mật của bạn cần được làm trống. Nếu lúc nào túi mật cũng chứa đầy mật thì mật có thể sẽ bị cô đặc và lâu dần hình thành sỏi mật.
Nhận biết các triệu chứng của bệnh sỏi mật
Đau bụng
Những cơn đau bụng là triệu chứng rất phổ biến ở bệnh nhân sỏi mật. Cơn đau thường xuất hiện sau bữa ăn, ở vị trí hạ sườn phải hoặc cũng có thể là ở vùng thượng vị, nhiều khi cơn đau khiến người bệnh không dám thở mạnh. Nếu ăn những loại đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ thì bệnh nhân sẽ có thể bị đau nhiều hơn. Triệu chứng này thường dễ bị nhầm lẫn với những cơn đau dạ dày.
Người bệnh cũng thường bị đau bụng vào ban đêm, gây mất ngủ, suy nhược cơ thể và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người bệnh. Cơn đau có thể dữ dội hoặc chỉ đau âm ỉ, tùy vào vị trí của sỏi mật, mức độ bệnh và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân.
– Đối với những trường hợp sỏi bị kẹt ở cổ túi mật hay sỏi nằm trong túi mật thì những cơn đau thường xuất hiện bên mạn sườn phải và có xu hướng kéo dài.
– Đối với những trường hợp sỏi bị tắc trong ống mật chủ: Người bệnh sẽ gặp phải những cơn đau dữ dội và đau lan sang vùng lưng, bả vai và thượng vị.
Rối loạn tiêu hóa
Sỏi mật làm cản trở dòng chảy dịch mật xuống đường tiêu hóa, dẫn đến tình trạng đầy hơi, chậm tiêu, chán ăn, sợ thức ăn có nhiều dầu mỡ. Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường xuất hiện sau bữa ăn, có thể kèm theo buồn nôn và nôn. Người bệnh cần đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt khi xuất hiện một trong các dấu hiệu sau:
– Đau bụng dữ dội kéo dài nhiều giờ và không thuyên giảm dù có uống thuốc giảm đau.
– Sốt cao trên 38 độ C, kèm theo ớn lạnh, vã mồ hôi.
– Buồn nôn và nôn kèm cảm giác chướng bụng.
– Ngứa da kết hợp vàng da hoặc vàng mắt.
Để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm này, bạn nên đi khám ngay khi có những biểu hiện bất thường để được các bác sĩ chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA THUẬN KIỀU
– 630 đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 4, Quận 11, TP. HCM.
– Liên hệ: (028) 38 57 53 55 – 0903 163 703.
– Fanpage: facebook.com/phongkhamthuankieu
Có thể bạn quan tâm:
CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CHÍNH DẪN ĐẾN UNG THƯ PHỔI
NHẬN BIẾT DẤU HIỆU UNG THƯ PHỔI GIÚP PHÁT HIỆN BỆNH TỪ SỚM
VIÊM PHỔI VÀ VIÊM PHẾ QUẢN KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?
TẦM SOÁT PHỔI ĐƯỢC THỰC HIỆN NHƯ THẾ NÀO?
LỢI ÍCH CỦA VIỆC TẦM SOÁT PHỔI ĐỊNH KỲ
CÁC BỆNH LIÊN QUAN ĐẾN PHỔI