Viêm đa khớp là một bệnh lý phổ biến trong các bệnh về xương khớp, là tình trạng viêm ảnh hưởng đến nhiều khớp (trên 4 khớp) gây đau, cứng, sưng và khiến khớp khó cử động. Ở Việt Nam cứ 100 người bị bệnh về xương khớp thì có tới 20 người bị viêm đa khớp. Về cơ bản, tìm hiểu về bệnh này có thể xem là “chìa khóa vàng” giúp người bệnh sớm tìm ra giải pháp khắc phục hữu hiệu, qua đó cải thiện chất lượng cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.
Bệnh viêm đa khớp là gì?
Viêm đa khớp (Polyarthritis) là tình trạng bị đau nhức nhiều khớp (4 – 5 khớp hoặc hơn) do viêm. Mặc dù thuật ngữ này không xác định rõ loại viêm khớp đang diễn ra nhưng nhìn chung, tình trạng này thường liên quan đến các bệnh tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, lupus, hội chứng Sjogren…Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể phát triển sau nhiều lần nhiễm siêu vi. (1)
Viêm đa khớp không phải là một loại của viêm khớp mà là một tình trạng bệnh tổng quát liên quan trực tiếp đến khớp. Viêm đa khớp có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, bất kỳ giới tính và độ tuổi nào nhưng tập trung nhiều nhất ở người trung niên cao tuổi, nữ giới mắc nhiều hơn nam giới.
Bệnh viêm đa khớp dạng thấp chủ yếu xảy ra ở những khớp nhỏ như khớp bàn tay, cổ tay, bàn ngón tay, khớp khuỷu, khớp vai, khớp đầu gối… Sự tác động đến đầu xương dưới sụn, màng hoạt dịch và sụn khớp gây nhức mỏi, đau buốt dai dẳng. Viêm đa khớp dạng thấp là bệnh quan trọng thứ 2 trong nhóm bệnh tự miễn (sau lupus đỏ hệ thống).
Các dạng viêm đa khớp
Bệnh viêm đa khớp có thể xảy ra dưới nhiều dạng bệnh lý khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là: (2)
1. Viêm khớp tự phát thiếu niên thể đa khớp
Đây là một dạng của viêm khớp tự phát thiếu niên (JIA), chủ yếu xảy ra ở nhóm đối tượng nhỏ tuổi, thường là từ độ tuổi thiếu niên trở xuống, và có thể ảnh hưởng đến các khớp như: (3)
- Mắt cá chân
- Cổ tay
- Bàn tay
- Háng
- Đầu gối
- Hàm và đốt sống cổ (đôi khi)
Mặc dù không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân gây viêm khớp tự phát thiếu niên nhưng trong nhiều trường hợp, vấn đề sức khỏe này vẫn có khả năng cải thiện theo thời gian khi được chữa trị, kiểm soát tốt.
2. Lupus ban đỏ
Một trong những trường hợp viêm nhiều khớp phổ biến khác là lupus ban đỏ – bệnh lý mô liên kết có thể tổn thương nhiều cơ quan, bộ phận khác nhau liên quan đến rối loạn miễn dịch. Ở hệ cơ xương khớp, các khớp chịu ảnh hưởng bởi lupus thường là khớp ngón tay, cổ tay, đầu gối, mắt cá…
3. Viêm khớp vảy nến
Khoảng 10 – 30% người mắc bệnh vảy nến có biểu hiện viêm khớp, thường là ở khớp ngón tay, ngón chân, cổ, vai, khuỷu tay… Phần lớn trường hợp, viêm khớp sẽ phát triển sau khi thương tổn do vảy nến xảy ra. Tuy vậy, đôi khi các triệu chứng viêm khớp cũng có thể xuất hiện đầu tiên.
4. Một số vấn đề sức khỏe khác
Về cơ bản, tình trạng này không phải là một tình trạng sức khỏe cụ thể. Do đó, bên cạnh những vấn đề trên, nhiều khớp bị viêm cùng lúc còn có thể liên quan đến một số bệnh lý như:
- Bệnh co rút Dupuytren (co rút cân gan bàn tay): các mô liên kết trong lòng bàn tay co rút và hình thành nên các nốt sần tại đây
- Đau cơ xơ hóa: có thể ảnh hưởng toàn thân, gây đau mỏi cơ xương khớp ở nhiều khu vực cùng lúc
- Ứ sắt hoặc thừa sắt (hemochromatosis): cơ thể tích trữ một lượng lớn sắt có thể gây viêm ở nhiều khớp khác nhau
- Bệnh viêm ruột (Crohn, viêm loét đại tràng…) và hội chứng Raynaud (tình trạng lưu thông máu kém ở bàn tay và bàn chân do co thắt mao mạch
- Các bệnh lý khác: viêm khớp đa khớp dạng thấp, gút, sarcoidosis (u hạt), scleroderma (xơ cứng bì), sốt xuất huyết, viêm gan…
- Nguyên nhân gây viêm ở nhiều khớp
- Viêm đa khớp thường do rối loạn tự miễn gây ra nên nguyên nhân gốc rễ của vấn đề sức khỏe này vẫn đang là thách thức lớn đối với các nhà nghiên cứu. Mặc dù vậy, không ít chuyên gia cho rằng tình trạng nhiều khớp bị viêm cùng lúc có mối liên hệ chặt chẽ với một số yếu tố như:
- Lối sống không lành mạnh, bao gồm các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu bia nhiều, tiêu thụ nhiều caffeine…
- Thường xuyên tiếp xúc với người hút thuốc lá (hút thuốc thụ động)
- Người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ
- Yếu tố di truyền
Triệu chứng và dấu hiệu viêm đa khớp
Bệnh này có thể dẫn đến những triệu chứng tương tự viêm khớp dạng thấp cũng như các bệnh lý liên quan khác. Hầu hết trường hợp, người bệnh sẽ có các biểu hiện như:
- Đau nhức khớp
- Khớp sưng, nóng
- Biên độ vận động khớp giảm (cứng khớp)
- Các triệu chứng trên có thể bùng phát đột ngột hoặc phát triển âm ỉ trong thời gian dài.
Bên cạnh đó, một số dấu hiệu đặc trưng của bệnh khớp do viêm cũng có khả năng xuất hiện, ví dụ như khớp bị đau cứng khi mới ngủ dậy nhưng sẽ cải thiện sau khi vận động nhẹ nhàng. Ngược lại, tình trạng này sẽ càng tệ hơn nếu người bệnh tiếp tục nằm nghỉ.
Ngoài ra, đôi khi bệnh nhân bị viêm ở nhiều khớp còn có những dấu hiệu, triệu chứng khác tuỳ theo vấn đề đang diễn ra. Chúng có thể gồm: (4)
- Chán ăn
- Phát ban
- Đổ mồ hôi
- Sưng hạch bạch huyết
- Sốt
- Thường xuyên mệt mỏi, thiếu sức sống
- Sụt cân ngoài ý muốn
Việc sớm nhận biết các triệu chứng viêm đa khớp mang ý nghĩa rất quan trọng đối với việc điều trị bệnh hiệu quả và lâu dài. Ngoài ra bệnh nhân cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để thu được kết quả điều trị tốt nhất, tránh nguy cơ gặp phải những biến chứng khó lường.
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA THUẬN KIỀU
– 630 đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 4, Quận 11, TP. HCM.
– Liên hệ: (028) 38 57 53 55 – 0903 163 703.
– Fanpage: facebook.com/phongkhamthuankieu
Có thể bạn quan tâm:
CÁC PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN LOÃNG XƯƠNG
TẠI SAO LẠI CẦN ĐO MẬT ĐỘ XƯƠNG ĐỊNH KỲ?
TÁC ĐỘNG CỦA LOÃNG XƯƠNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG
LÀM SAO ĐỂ NHẬN BIẾT LOÃNG XƯƠNG KHI BỆNH CHƯA CÓ BIỂU HIỆN RÕ RỆT?
NHỮNG TRIỆU CHỨNG PHỔ BIẾN CỦA LOÃNG XƯƠNG
BỆNH LOÃNG XƯƠNG LÀ GÌ? NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH CỦA LOÃNG XƯƠNG