Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, F0 điều trị tại nhà thực hiện tự theo dõi sức khỏe 2 lần/ngày vào buổi sáng, chiều. Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, F0 cần thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để được xử trí…
F0 có bệnh nền nhưng đang ổn định được điều trị tại nhà
Theo “Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà” có 3 tiêu chí lâm sàng đối với F0 được điều trị tại nhà đó là:
– Người mắc COVID-19 (được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên theo quy định hiện hành) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi; tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị.
– Người mắc COVID-19 không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy; nhịp thở < 20 lần/phút; SpO2 > 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.
– Người mắc COVID-19 không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
– Cùng đó người mắc COVID-19 điều trị tại nhà có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh và có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu: Có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…
– Bộ Y tế lưu ý trong trường hợp người mắc COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các yêu cầu trên.
F0 điều trị tại nhà bị sốt dùng thuốc thế nào?
– Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu là người lớn: > 38,5 độ hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5 g, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu ăn kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
– Nếu là trẻ em sốt > 38,5 độ, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 lần.
– Bộ Y tế lưu ý nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, người mắc COVID-19 thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để được xử trí.
– Để hạ sốt có thể dùng paracetamol, liều dùng tùy theo lứa tuổi. Về cơ bản thì paracetamol an toàn, nhưng với một số ít người thì paracetamol lại gây độc với gan và khi dùng nhiều có thể gây suy gan. Nếu không dùng được paracetamol thì có thể dùng ibuprofen, hàm lượng 200 hoặc 400mg.
– Ngoài dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn, người bệnh cần bù đủ nước và điện giải để cơ thể đỡ mệt mỏi. Điện giải ở đây chủ yếu là kali, natri và clo, tức kali và muối ăn. Hiện có oresol, các gói bổ sung điện giải, nước dừa, nước cháo, chanh muối… là những sản phẩm thông dụng.
Nguồn: suckhoedoisong
PHÒNG KHÁM ĐA KHOA THUẬN KIỀU
– 630 đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 4, Quận 11, TP. HCM.
– Liên hệ: (028) 38 57 53 55 – 0903 163 703.
– Fanpage: facebook.com/phongkhamthuankieu
Có thể bạn quan tâm:
ĐIỀU TRỊ BỆNH GAN DO VIRUS: NHỮNG PHƯƠNG PHÁP HIỆU QUẢ HIỆN NAY
CHẨN ĐOÁN BỆNH GAN DO VIRUS: LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT HIỆN SỚM?
BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH GAN DO VIRUS – NHỮNG NGUY CƠ KHÔNG THỂ XEM THƯỜNG
BỆNH GAN DO VIRUS – NGUYÊN NHÂN VÀ TRIỆU CHỨNG CẦN LƯU Ý
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA BỆNH SỞI VÀ DỊ ỨNG
LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÂN BIỆT BỆNH SỞI VÀ SỐT PHÁT BAN DO VIRUS?